“Họ nói đã có trong tay Kinzhal”
Gần đây tôi (Roman Skomorokhov) đã tiếp cận một thông tin như sau từ tờ Popular Mechanic (Mỹ):
“Hải quân (Mỹ – USN) đã làm được điều không tưởng đó là biến tên lửa trên tàu chiến thành vũ khí phóng từ trên không! Các máy bay chiến đấu hiện có đã có thể mang phóng loại hỏa lực chưa từng có lên bầu trời”.
Tờ báo Mỹ nói rằng loại “tên lửa trên tàu chiến” được sử dụng là tên lửa phòng không tầm xa SM-6 và “các máy bay chiến đấu hiện có” chính là tiêm kích F/A-18 “Super Hornet”:
“Ban đầu được phát triển như một tên lửa phòng không của hải quân và hiện nay SM-6 là tên lửa không đối không có tầm bắn xa nhất trên thế giới.
Đầu tháng này, giới hàng không thế giới đã bị sốc trước tiết lộ rằng SM-6 đã được đưa lên F/A-18E/F Super Hornet. Kết quả là tên lửa không đối không tầm xa nhất thế giới bất ngờ xuất hiện – vượt trội đáng kể so với các tên lửa đối thủ của Nga và Trung Quốc….”
Vào tháng 6/2024, một nhiếp ảnh gia đã chụp được ảnh một chiếc F/A-18F của USN mang theo SM-6.
Loại tên lửa này có tầm bắn khoảng 450 km tức là gấp 3 lần so với AIM-120 AMRAAM, tên lửa không đối không tầm xa nhất hiện tại của Mỹ. Để so sánh thì tên lửa không đối không tầm xa nhất của Trung Quốc là PL-15 (Phích Lịch 15) có tầm bắn khoảng 300 km.
Trong một cuộc tập trận 1 tháng sau đó ở Hawaii, một nhiếp ảnh gia khác đã chụp được một chiếc Super Hornet mang theo 2 tên lửa SM-6 mà USN sau đó xác nhận có tên mới là XAIM-147B đồng thời cho biết nó đã sẵn sàng chiến đấu.
Điều này có nghĩa là ai đó ở Mỹ đã có thể đưa tên lửa phóng từ tàu chiến lên máy bay. Vậy “điều không tưởng” ở đây là gì?
Theo tôi hiểu thì các biên tập viên tờ báo Mỹ cho rằng vấn đề nằm ở việc loại tên lửa đạn đạo phóng từ bề mặt (mặt đất hoặc mặt nước) được đưa lên phóng từ trên không.
Chà, Nga đã làm được điều này mà không mất 20 năm hay 300 triệu USD, họ đã sử dụng loại tên lửa đạn đạo được chế tạo từ trước của tổ hợp Iskander, đưa lên một phương tiện mang phóng phù hợp là MiG-31 và a lê hấp – Kh-47M2 “Kinzhal/Dao găm” ra đời.
Độc giả có thể trích dẫn nhiều nguồn tin về những thiếu sót của loại tên lửa siêu thanh này nhưng cho tới thời điểm hiện tại, có vẻ như các tổ hợp phòng không NATO bao gồm Patriot, IRIS-T và NASAMS đều chưa thể đánh chặn “Kinzhal”.
Tổ hợp tên lửa siêu thanh Kh-47M2 “Kinzhal” được thử nghiệm trên tiêm kích MiG-31.
Rồi sao?
Nếu những gì người Mỹ nói là đúng thì các kỹ sư của họ đã đạt được thành công phi thường và một trong những bên được hưởng lợi rõ ràng là lực lượng vũ trang Ukraine.
Popular Mechanic lưu ý rằng trong khi những phần cơ bản của “Kinzhal Mỹ” là SM-6 thì động cơ tăng áp lại đến từ tên lửa chống tên lửa CM-3 và đầu dò radar chủ động đến từ AIM-120 AMRAAM.
Về lý thuyết, tên lửa có thể hoạt động độc lập không cần radar của máy bay dẫn đường hay còn gọi là chế độ “Fire and Forget” (Bắn và Quên).
Nhưng vấn đề là trong giai đoạn bay hành trình, tên lửa được dẫn đường bằng Hệ thống dẫn đường quán tính (INS) và được hiệu chỉnh bằng dữ liệu đến từ radar của máy bay.
Thoạt nhìn thì điều này có thể hợp lý nhưng nói xin lỗi, một mục tiêu bay nằm cách điểm phóng 400 km sẽ không đứng yên chờ tên lửa tới.
Nghĩa là để tới khu vực mà đầu dò kích hoạt, tên lửa sẽ phải bay qua một quãng đường bay rất lớn bằng INS và nếu nó là trên 300 km thì gần như nhiệm vụ sẽ không thể hoàn thành.
Lý do là vì nếu tốc độ bay hành trình của tên lửa là khoảng 4.000 km/h thì nó sẽ bay qua 300 km trong khoảng 5 phút. Trong thời gian đó, một chiếc máy bay có tốc độ bay khoảng 1.000 km/h sẽ bay được 80-90 km, tức là nằm ngoài vùng phủ của đầu dò tên lửa.
Tiếp theo chúng ta hãy nói về chính đầu dò. Theo người Mỹ thì tên lửa có thể bay hành trình 300 km và sau đó là 150 km tiếp tục theo đầu dò. Nhìn chung, các con số lý thuyết mãi mãi chỉ là những con số và thực tế còn lâu mới hoàn hảo như lý thuyết.
Ngoài ra, một điểm rất quan trọng đó là trước khi đầu dò dò ra mục tiêu, mục tiêu phải được phát hiện bằng cách nào đó. Và ở đây nảy sinh một vấn đề khác đó là tên lửa bay được 450 km nhưng radar của những chiếc “Super Hornet” chỉ “nhìn” thấy mục tiêu ở tối đa là 150 km.
Cuối cùng đó là về trọng lượng của một tên lửa SM-6 là 1 tấn rưỡi, tức là 2 tên lửa sẽ nặng 3 tấn. Trong khi đó tải trọng chiến đấu của F/A-18 E/F là 4,5 tấn – tức là cặp tên lửa sẽ chiếm 2/3 tải trọng chiến đấu của máy bay.
Rõ ràng là trong một chuyến xuất kích, phải có một cặp bao gồm 1 chiếc máy bay mang theo những tên lửa tầm siêu xa này và một chiếc khác phải làm những nhiệm vụ khác…
Và đó là tất cả.
Công nghệ | Tổng hợp tin tức Công nghệ mới nhất trong ngày
Trả lời
Bạn phải đăng nhập để gửi phản hồi.