Không chơi với ai có khi lại tốt
Trong khi cả thế giới đang vật lộn với sự cố “màn hình xanh chết chóc” những tuần vừa qua, có một quốc gia vẫn trong nhịp sống bình thường mà hầu như không bị tổn hại gì. Đó là Trung Quốc.
Lý do thực ra khá đơn giản: Trung Quốc không chơi với CrowdStrike – công ty khởi nguồn cho mọi rắc rối nói trên. Rất ít tổ chức Trung Quốc sẽ mua phần mềm từ một công ty Mỹ từng lên tiếng cáo buộc và chỉ trích về mối đe dọa an ninh mạng từ nước mình gây ra, theo BBC.
Hơn thế nữa, Trung Quốc không phụ thuộc vào Microsoft nhiều như phần còn lại của thế giới. Các công ty trong nước như Alibaba, Tencent và Huawei là những nhà cung cấp dịch vụ đám mây nắm quyền thống trị.
Vì vậy, các báo cáo về tình trạng hệ thống bị sập ở Trung Quốc chủ yếu là ở các công ty hoặc tổ chức nước ngoài. Ví dụ, trên các trang mạng xã hội Trung Quốc, một số người dùng phàn nàn rằng họ không thể nhận phòng tại các khách sạn chuỗi quốc tế như Sheraton, Marriott và Hyatt tại các thành phố Trung Quốc.
Trong những năm gần đây, các tổ chức chính phủ, doanh nghiệp và nhà điều hành cơ sở hạ tầng ở Trung Quốc ngày càng có xu hướng thay thế hệ thống CNTT nước ngoài bằng hệ thống trong nước. Một số nhà phân tích gọi mạng song song này là “splinternet”.
Josh Kennedy-White, chuyên gia an ninh mạng tại Singapore, cho biết: “Đây là minh chứng cho cách Trung Quốc ứng phó chiến lược cho các vấn đề công nghệ xuất phát từ bên ngoài”.
“Microsoft hoạt động tại Trung Quốc thông qua đối tác trong nước là 21Vianet, đơn vị quản lý các dịch vụ độc lập với cơ sở hạ tầng toàn cầu. Thiết lập này giúp các dịch vụ thiết yếu của Trung Quốc – như ngân hàng và hàng không – tránh khỏi sự gián đoạn xảy ra chung trên thế giới”.
Bắc Kinh coi việc tránh phụ thuộc vào các hệ thống nước ngoài là một cách để củng cố an ninh quốc gia.
Tương tự như cách một số nước phương Tây cấm công nghệ của công ty Trung Quốc Huawei vào năm 2019 – hoặc động thái của Vương quốc Anh cấm sử dụng TikTok do Trung Quốc sở hữu trên các thiết bị của chính phủ vào năm 2023.
Mỹ cũng đã phát động một nỗ lực chung nhằm cấm bán công nghệ chip bán dẫn tiên tiến cho Trung Quốc, cũng như ngăn chặn các công ty Mỹ đầu tư vào công nghệ ở quốc gia tỷ dân. Chính phủ Mỹ cho biết tất cả những hạn chế này đều vì lý do an ninh quốc gia.
Cảm ơn vì được nghỉ làm
Một bài xã luận được đăng trên tờ Hoàn cầu Thời báo gần đây đã có vài ám chỉ mơ hồ đến những hạn chế của nước ngoài đối với công nghệ Trung Quốc.
“Một số quốc gia liên tục nói về an ninh, khái quát hóa khái niệm an ninh nhưng lại bỏ qua an ninh thực sự, điều này thật trớ trêu”, bài xã luận cho biết.
Lập luận ở đây là Mỹ đang cố gắng áp đặt các điều khoản về việc ai có thể sử dụng công nghệ toàn cầu và cách sử dụng như thế nào, nhưng chính một trong những công ty của họ đã gây ra sự hỗn loạn toàn cầu vì thiếu sự sát sao.
Tờ Hoàn cầu Thời báo cũng chỉ trích những gã khổng lồ internet “độc quyền” trong ngành: “Việc chỉ dựa vào các công ty hàng đầu để lãnh đạo các nỗ lực bảo mật mạng, như một số quốc gia đang cổ vũ, không chỉ cản trở việc chia sẻ toàn diện các kết quả quản trị mà còn gây ra những rủi ro bảo mật mới”.
Việc nhắc đến “chia sẻ” có lẽ ám chỉ đến cuộc tranh luận về sở hữu trí tuệ vì Trung Quốc thường bị cáo buộc sao chép hoặc đánh cắp công nghệ phương Tây. Bắc Kinh bác bỏ điều này, tuyên bố ủng hộ một thị trường công nghệ toàn cầu mở – trong khi vẫn giữ chặt quyền kiểm soát đối với bối cảnh trong nước.
Tuy nhiên, sự cố màn hình xanh vừa qua không phải là không hoàn toàn gây ảnh hưởng ở Trung Quốc. Một số ít nhân viên đã gửi lời cảm ơn đến một công ty phần mềm khổng lồ của Mỹ vì đã kết thúc tuần làm việc sớm hơn dự kiến.
“Cảm ơn Microsoft vì kỳ nghỉ sớm” là cụm từ thịnh hành trên trang mạng xã hội Weibo khi người dùng đăng tải hình ảnh màn hình lỗi màu xanh.
Công nghệ | Tổng hợp tin tức Công nghệ mới nhất trong ngày
Trả lời
Bạn phải đăng nhập để gửi phản hồi.