Nếu bỗng dưng có cuộc gọi đến và đầu dây bên kia hỏi rằng: “Bạn có nghe rõ tôi nói không?” Hãy cúp máy. Đó có thể là một trò lừa đảo.
Trò lừa đảo “Bạn có nghe rõ tôi nói không” đã nhắm vào người tiêu dùng trong nhiều năm. Người ta vẫn chưa rõ cơ chế hoạt động của trò lừa đảo này như thế nào, nhưng tờ USA Today dẫn lời khuyên từ tổ chức phi lợi nhuận Better Business Bureau (BBB), cho rằng tốt hơn là nên cúp máy và đừng làm theo bất kỳ điều gì từ giọng nói bên kia.
Trò lừa đảo “Bạn có nghe rõ tôi nói không” là gì?
Theo cảnh báo từ BBB, câu hỏi trên của kẻ lừa đảo không phải vu vơ. Có khả năng chúng muốn người nghe nói “Có” để ghi âm lại giọng nói, sau đó chỉnh sửa và dùng trong các trường hợp cần có sự xác nhận từ bạn. Đó có thể là xác nhận về thông tin ngân hàng, dữ liệu cá nhân v.v…
Đây là cách thức trò lừa đảo diễn ra: Bạn nhận được cuộc gọi từ một người nào đó với câu hỏi: “Bạn có nghe rõ tôi nói không?” Họ muốn bạn trả lời “Có”, và theo bản năng, chúng ta thường sẽ trả lời như vậy.
Kịch bản tiếp theo sẽ là đầu dây bên kia giả vờ nói rằng họ đang gặp sự cố với tai nghe nên sẽ gọi lại cho bạn sau, nhưng trên thực tế đầu dây bên kia không phải là người thực sự mà chỉ là tổng đài tự động đang phát những câu ghi âm từ trước, đồng thời ghi lại tất cả những gì bạn nói trong cuộc hội thoại.
Câu trả lời “Có” mà bạn đưa ra sau đó có thể được chỉnh sửa để nghe giống như bạn đã đồng ý cho phép một giao dịch lớn.
Ví dụ: Kẻ gian có thể liên lạc cho người thân của bạn để nhờ đặt mua một món đồ đắt tiền hoặc chuyển tiền vào số tài khoản ngân hàng của ai đó. Khi người thân tỏ ra hoài nghi, chúng sẽ bật đoạn ghi âm lên với giọng nói của chính bạn, xác nhận sự đồng ý từ chính chủ.
Ngoài ra, câu trả lời “Có” cũng có thể xác nhận giúp kẻ gian rằng số điện thoại này thực sự hoạt động và chúng có thể nhắm mục tiêu lừa đảo nhiều hơn nữa.
Một số phiên bản khác của trò lừa đảo có thể hỏi những câu khác như: “Đây có phải số của anh (tên của bạn) không” hoặc một câu hỏi nào đó khiến bạn phải trả lời là “Có”.
Người gọi cũng có thể không cúp máy ngay lập tức mà tiếp tục cuộc trò chuyện để cố gắng đánh cắp thông tin cá nhân hoặc ghi lại nhiều giọng nói của nạn nhân hơn để dùng cho nhiều trường hợp khác nhau.
BBB đã ghi nhận nhiều trường hợp về kiểu lừa đảo nói trên thông qua trang Scam Tracker. Một số người báo cáo rằng có những cuộc gọi mang nội dung liên quan đến ngân hàng, các gói kỳ nghỉ, bảo hành và thẻ bảo hiểm.
Người gọi có thể mạo danh một doanh nghiệp như ngân hàng hoặc một tổ chức tài chính mà bạn đang sử dụng, một cơ quan chính phủ hoặc một công ty bảo hiểm.
“Chúng tôi khuyến khích mọi người báo cáo trò lừa đảo kiểu này và những vụ lừa đảo khác để giúp nâng cao cảnh giác. Nếu bạn nhận được cuộc gọi, chỉ cần cúp máy và đừng nói gì cả”, BBB cảnh báo.
Cần làm gì để phòng tránh trò lừa đảo “Bạn có nghe rõ tôi nói không”?
Cúp máy là giải pháp dứt khoát nhất. Tuy nhiên, kẻ lừa đảo có thể sẽ vẫn kiên trì khi biết bạn là miếng mồi ngon. Chúng sẽ thay đổi phương pháp và thử lại nhiều lần bằng những câu hỏi khác được thiết kế để khi nào bạn nói “Có” thì thôi.
Lời khuyên là tránh nghe những số máy lạ. Sử dụng các phần mềm nhận dạng cuộc gọi Caller ID để sàng lọc các số điện thoại và cân nhắc không trả lời các số mà bản thân không biết. Nếu có việc gì đó thiết thực và khẩn cấp, họ sẽ liên lạc lại cho bạn bằng nhiều cách khác.
Ghi lại số điện thoại nói trên và gửi cảnh báo đến những người khác trên ứng dụng phòng chống lừa đảo nTrust mới được Việt Nam ra mắt gần đây.
Kiểm tra sao kê ngân hàng và thẻ tín dụng thường xuyên để biết các khoản thanh toán mà bản thân không thực hiện cũng như xem lại các giao dịch mua bán, vay mượn khác.
Những kẻ lừa đảo có thể sử dụng giọng ghi âm “Có” của bạn để xác nhận các khoản phí mà bạn không hề hay biết.
Công nghệ | Tổng hợp tin tức Công nghệ mới nhất trong ngày
Trả lời
Bạn phải đăng nhập để gửi phản hồi.