Theo Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an), 4 cách nhận diện tội phạm như sau:
1. Tội phạm thường sử dụng công nghệ cao, ẩn danh dưới số điện thoại giống số điện thoại công khai của cơ quan Công an, Viện Kiểm sát để gọi điện cho bị hại, thông báo họ đang bị kiện vì nợ tiền hoặc có liên quan đến một vụ án, chuyên án mà Cơ quan Công an đang điều tra, xác minh, đã có lệnh bắt của Viện Kiểm sát nhân dân…; dùng lời lẽ đe dọa sẽ bắt tạm giam nạn nhân khiến nạn nhân sợ hãi.
2. Thông thường đối tượng sử dụng số điện thoại hầu hết (khoảng 6,7 số cuối) giống với các số điện thoại công khai của các Cơ quan. Tuy nhiên đầu số thường là đầu số lạ (+00, +01…) do đối tượng sử dụng các dịch vụ của nước ngoài.
3. Các đối tượng yêu cầu bị hại không được kể câu chuyện vừa trao đổi cho bất kỳ ai (kể cả người thân trong gia đình), mục đích nhằm để nạn nhân không có đủ thời gian để kiểm tra thông tin, không trình báo cho cơ quan Công an được biết.
4. Đối tượng yêu cầu bị hại kê khai tài sản, số tiền mặt hiện có và số tiền gửi trong các tài khoản ngân hàng, ngụy trang lý do để phục vụ công tác xác minh, điều tra. Sau đó, các đối tượng dùng lời lẽ đe dọa sẽ bắt tạm giam nạn nhân để điều tra và yêu cầu họ chuyển tiền hoặc đọc mã OTP để chúng thực hiện việc chuyển tiền vào các tài khoản của chúng với vỏ bọc để xác minh, nếu không liên quan vụ án sẽ trả lại.
Đặc điểm dễ dàng nhận biết đối tượng lừa đảo qua điện thoại là: Các đối tượng tự xưng là cán bộ Công an, Tòa án, Viện Kiểm sát, Ngân hàng, Bưu điện và yêu cầu bị hại không được kể câu chuyện “đang bị điều tra”, vừa trao đổi cho bất kỳ ai.
Theo đó, Cơ quan Công an khuyến cáo:
– Trường hợp có liên quan, Cơ quan Công an các cấp khi làm việc, xác minh, điều tra với các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp sẽ có cán bộ đến làm việc trực tiếp hoặc có văn bản thông báo, gửi giấy mời/giấy triệu tập gửi đến chính quyền địa phương, thông qua Cảnh sát khu vực hoặc Công an xã chuyển giấy mời/giấy triệu tập đến thân nhân gia đình và người mà cơ quan Công an muốn làm việc.
– Cơ quan Công an sẽ mời người liên quan đến Trụ sở cơ quan Công an để làm việc trực tiếp. Tuyệt đối không làm việc thông qua điện thoại và mạng xã hội.
– Trường hợp liên quan vụ án, cần thu giữ tiền hoặc đồ vật tài sản, Cơ quan Công an sẽ thực hiện tại trụ sở Cơ quan Công an và việc tạm giữ tiền phải được lập biên bản. Cơ quan Công an không nhận chuyển tiền qua chuyển khoản ngân hàng (internet banking).
– Khi nhận các cuộc điện thoại có dấu hiệu nêu trên, người dân cần bình tĩnh, không lo sợ, nhanh chóng liên hệ với người thân, bạn bè để được tư vấn. Trường hợp có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì kịp thời thông báo cho Cơ quan Công an nơi gần nhất hoặc gửi tố giác tội phạm qua chức năng “Gửi kiến nghị phản ánh về an ninh trật tự” trên ứng dụng VNeID.
– Trường hợp mới chuyển tiền, ngay sau đó phát hiện hoặc nghi ngờ bị lừa đảo thì liên hệ ngay với Ngân hàng để được hướng dẫn phong tỏa tài khoản.
– Công dân tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, số chứng minh thư (căn cước công dân), địa chỉ nhà ở, số tài khoản ngân hàng, mã OTP trên điện thoại cá nhân… cho bất kỳ ai không quen biết hoặc khi chưa biết rõ nhân thân, lai lịch.
– Phổ biến cho những người thân trong gia đình thủ đoạn tội phạm nêu trên và các thủ đoạn lừa đảo trên không gian mạng khác để cùng biết để phòng tránh, đặc biệt với gia đình có người thân trong diện dễ bị tội phạm nhắm đến.
– Đối với các nhân viên giao dịch ngân hàng cần lưu ý các trường hợp người trung, cao tuổi, phụ nữ đi chuyển tiền số lượng lớn hoặc rút sổ tiết kiệm với tâm lý không bình thường hoặc có biểu hiện lo sợ cần kiểm tra kỹ thông tin. Nếu phát hiện hoặc nghi vấn thì tạm hoãn giao dịch để làm rõ và thông báo cho Cơ quan Công an gần nhất phối hợp giải quyết.
Công nghệ | Tổng hợp tin tức Công nghệ mới nhất trong ngày
Trả lời
Bạn phải đăng nhập để gửi phản hồi.