Đầu tháng 8/2024, nhà sáng lập Colin Huang của hãng thương mại điện tử (TMĐT) PDD đã vượt mặt ông trùm bán nước suối Zhong Shanshan để trở thành người giàu nhất Trung Quốc với tổng tài sản lên đến 50 tỷ USD.
Đây là một thông tin thu hút giới truyền thông khi ông Huang là người khá kín tiếng khi sàn TMĐT con Temu của PDD làm mưa làm gió tại Mỹ trong thời gian qua.
Tuy nhiên tỷ phú Huang chỉ giữ được vị trí này có 2 tuần sau khi hàng trăm người biểu tình, căng biểu ngữ đòi tiền tại văn phòng của Temu tại Guangzhou để phản đối các chính sách bất công.
Nhà đầu tư ngay lập tức lo lắng về tình hình của PDD và đúng như dự đoán, báo cáo tài chính thấp hơn kỳ vọng khiến giá cổ phiếu của sàn TMĐT này mất hơn 30% giá trị chỉ trong phiên 26/8, tương đương hơn 50 tỷ USD vốn hóa thị trường.
Điều này dẫn đến việc ông Huang mất khoảng 14,1 tỷ USD tài sản trong một ngày, mức lớn chưa từng thấy trong sự nghiệp.
Hiện Colin Huang chỉ còn là người giàu thứ 4 Trung Quốc với 35,2 tỷ USD tài sản.
Thất vọng
Báo cáo tài chính quý II/2024 cho thấy tăng trưởng doanh thu của PDD vẫn đạt 86%, lên hơn 13,6 tỷ USD và mở rộng quy mô tại cả Trung Quốc lẫn những nước khác. Tuy nhiên con số này thấp hơn mức kỳ vọng 14 tỷ USD của nhà đầu tư.
Tệ hơn, CEO Chen Lei của PDD còn cảnh báo một tương lai u tối khi phải đối mặt với cạnh tranh gay gắt từ TikTok hay Alibaba, trong khi sàn con Temu thì phải đối mặt với sự siết chặt kiểm soát của Mỹ.
Thậm chí Amazon mới đây cũng bắt đầu ra mắt nền tảng TMĐT giá rẻ mới để cạnh tranh trực tiếp với Temu tại Mỹ.
“Chúng tôi phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt trên nhiều hướng và cả những yếu tố bất ổn từ bên ngoài nữa. Do đó ban giám đốc cho rằng đây không phải là thời điểm thích hợp chia cổ tức hay mua lại cổ phần. Trong vài năm tới, chúng tôi cho rằng cũng sẽ chưa thích hợp để làm vậy”, CEO Chen Lei thừa nhận.
Đồng quan điểm, giám đốc tài chính Jun Liu của PDD cũng cho biết tăng trưởng doanh thu tương lai của hãng sẽ gặp áp lực cạnh tranh, đồng thời việc đầu tư cho cuộc chiến này sẽ khiến lợi nhuận bị xói mòn.
Mặc dù mới chỉ thành lập được 2 năm nhưng Temu đã nhanh chóng trở thành đối thủ đáng gờm của Amazon tại Mỹ, qua đó giúp công ty mẹ PDD vượt mặt Alibaba để trở thành hãng TMĐT có tổng mức vốn hóa lớn nhất Trung Quốc.
Số liệu của Marketplace Pulse cho thấy hơn 100.000 cửa hàng bán trên Temu là đến từ Trung Quốc, tận dụng quy định không phải nộp thuế của hải quan Mỹ.
Cụ thể, Mục 321 trong Luật hải quan Mỹ, hay còn được gọi là “De Minimis”, cho phép các hãng TMĐT Trung Quốc tránh phải trả thuế hay lệ phí với những lô hàng được vận chuyển trực tiếp đến tay người tiêu dùng nếu có giá trị dưới 800 USD.
Chính điều này đã tạo nên một cuộc khủng hoảng kép cho PDD khi chịu áp lực từ cả phía Mỹ lẫn người bán hàng Trung Quốc.
Trả tiền cho tôi
Sàn thương mại điện tử (TMĐT) Temu đang đối mặt cuộc khủng hoảng lớn chưa từng thấy khi những người bán hàng ở Trung Quốc đang biểu tình vì bị đối xử bất công.
Từng được coi là đối thủ mới thách thức ngôi vương của Amazon tại Mỹ nhưng giờ đây Temu lại ngập trong khủng hoảng vì “chiêu trò” né thuế, không đăng ký kinh doanh, tận dụng kẽ hở pháp luật để kinh doanh hàng giá rẻ đang bị chính phủ siết chặt quản lý.
Chính điều này đã khiến Temu phải thay đổi chính sách, đồng thời ưu đãi người mua hơn để giữ tăng trưởng, qua đó chèn ép bên bán khiến bên cung ứng tại Trung Quốc nổi giận.
Những người biểu tình này cho biết việc Temu phạt người bán một cách vô lý, găm giữ các khoản doanh thu quá lâu dù hàng đã bán cùng vô số những động thái coi thường khác đã khiến mọi người phẫn nộ.
Theo phóng viên CNN, đám đông người biểu tình tại Guangzhou đã căng biểu ngữ đòi lại tiền từ Temu, một số người đã đột nhập được vào văn phòng và ngồi lỳ ở đó yêu cầu được đại diện công ty ra giải quyết.
Tình hình vụ việc diễn ra khá căng thẳng và ầm ĩ nhưng không có xô xát hay thương vong nào.
Trả lời CNN, hai nhà cung ứng xin được giấu tên trong cuộc biểu tình cho biết họ muốn phản đối chính sách phạt bất công của Temu, đòi một tỷ lệ hoa hồng đáng kể từ doanh số nhưng dịch vụ hỗ trợ bên bán thì lại quá tệ.
Tình trạng giao hàng chậm, mô tả không đúng quy định về sản phẩm hay gửi sai hàng bị Temu phạt cao gấp 5 lần so với giá bán buôn của sản phẩm, khiến nhiều bên cung ứng nản lòng.
Thêm nữa, việc Temu tìm mọi cách để ưu đãi người mua như miễn phí trả hàng trong 90 ngày, miễn phí ship và chỉ được điều chỉnh giá sau mỗi 30 ngày dù hấp dẫn với khách hàng nhưng lại làm khó bên bán.
“Họ phạt chúng tôi kể cả khi lỗi không thuộc về bên bán. Nếu một lô hàng lỗi thì họ phạt hết toàn bộ số sản phẩm còn lại”, một người biểu tình bức xúc.
Một người bán khác thì cho biết Temu đã đóng băng bất hợp pháp khoản doanh thu 2 triệu Nhân dân tệ, tương đương 276.000 USD dù thương vụ đã được hoàn tất. Người phụ nữ giấu tên này cho biết khoản tiền này là để trả lương cùng những chi phí khác nhằm duy trì hoạt động kinh doanh trên Temu.
Vòng luẩn quẩn
Số liệu của Sensor Tower cho thấy kể từ khi ra mắt đến nay, Temu đã có hơn 600 triệu lượt tải xuống ở Mỹ và trở thành ứng dụng được tải xuống nhiều nhất tại thị trường này năm 2023. Đây cũng là ứng dụng được tải nhiều thứ 8 trên toàn cầu trong năm ngoái.
Báo cáo của Goldman Sachs thì ước tính Temu đạt 45 tỷ USD GMV (chỉ số đo lường tổng giá trị hàng hóa hoặc dịch vụ được bán qua một kênh TMĐT trong một khoảng thời gian nhất định) trong năm nay.
Con số này cao hơn nhiều so với mức 18 tỷ USD cùng kỳ năm ngoái và 300 triệu USD năm 2022.
Hãng Sensor Tower nhận định việc Temu giảm giá bất chấp, cắt các chi phí của bên bán hàng để chiều lòng người mua là một hành vi “ăn xổi”, nhắm đến ngắn hạn và tồn tại nhiều nguy cơ tiềm tàng.
Đồng quan điểm, chuyên gia Ivy Yang của Wavelet Strategy cũng cho rằng cách kinh doanh bất bình đẳng này cuối cùng sẽ phản tác dụng khi người mua chỉ muốn hàng rẻ hơn, nhanh hơn khiến bên bán dần không còn lợi nhuận.
“Sự bất mãn của bên bán tại Temu đã âm ỉ trong thời gian dài và cuối cùng đạt điểm giới hạn khi mọi người không chịu đựng nổi nữa. Họ tức giận vì sự thiếu minh bạch cũng như không thể tiếp tục kiếm lợi nhuận trên nền tảng TMĐT này nữa dù đã đầu tư rất nhiều tiền”, chuyên gia Yang nói.
“Từ góc nhìn của doanh nghiệp thì việc giảm giá để hút khách hàng, giành thị phần đang là điều quan trọng nhất với Temu. Thế nhưng giảm giá đồng nghĩa bên bán phải cắt giảm chi phí, qua đó hạ chất lượng sản phẩm, vi phạm quy định của Temu và bị phạt, qua đó tạo thành vòng luẩn quẩn”, cô Yang bổ sung.
*Nguồn: CNN, Fortune
Công nghệ | Tổng hợp tin tức Công nghệ mới nhất trong ngày
Trả lời
Bạn phải đăng nhập để gửi phản hồi.