Hàng ngàn máy nhắn tin do nhóm chiến binh Hezbollah sử dụng đã phát nổ trên khắp Lebanon, làm bị thương ít nhất 2.800 người và khiến ít nhất 9 người thiệt mạng.
Hiện vẫn chưa rõ cuộc tấn công vô cùng tinh vi này đã diễn ra như thế nào và ai là người đứng đằng sau. Việc khiến cho hàng ngàn thiết bị phát nổ cùng lúc là điều chưa từng có trong lịch sử. Đây là kịch bản thường xuất hiện nhiều trên phim ảnh hơn là thực tế.
Mặc dù Hezbollah đã đổ lỗi cho đối thủ Israel, quốc gia vốn được biết đến là có công nghệ quốc phòng tiên tiến, các quan chức nước này cho đến nay vẫn từ chối bình luận.
Hàng nghìn máy nhắn tin phát nổ thế nào?
Emily Harding, Phó giám đốc Chương trình An ninh Quốc tế tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế đưa ra giả thuyết các điệp viên Israel có thể đã chặn các máy nhắn tin này ở đâu đó trong chuỗi cung ứng và gắn thuốc nổ trước khi Hezbollah sở hữu chúng.
Các video đăng tải về vụ tấn công trên mạng xã hội cho thấy “các thiết bị nổ đã được tích hợp vào máy nhắn tin”, NR Jenzen-Jones, giám đốc của Armament Research Services, một công ty nghiên cứu vũ khí, cho biết trong một bài đăng trên X.
“Quy mô cho thấy đây là một cuộc tấn công chuỗi cung ứng phức tạp, thay vì là một kịch bản trong đó các thiết bị bị chặn lại và sửa đổi trong quá trình vận chuyển”.
Điện thoại di động đã thay thế máy nhắn tin từ lâu nhưng các thiết bị này vẫn được bán rộng rãi. Chúng là một phần của chuỗi cung ứng điện tử phức tạp kết nối các nhà sản xuất ở Châu Á với các nhà bán lẻ trên toàn thế giới.
Hai bức ảnh được công bố trên mạng xã hội sau vụ tấn công cho thấy mặt sau của máy nhắn tin bị cháy xém và vỡ vụn với dòng chữ “GOLD” được viết phía trên số hiệu máy “AR-9”. Thiết kế trùng khớp với dòng chữ được in ở mặt sau của mẫu máy nhắn tin “AR-924” do Gold Apollo Co. sản xuất, sử dụng pin lithium.
Gold Apollo, có trụ sở tại Đài Loan (Trung Quốc), là một trong những nhà sản xuất máy nhắn tin lớn trên thế giới. Người sáng lập công ty, Hsu Ching-Kuang, cho biết Gold Apollo không sản xuất máy nhắn tin trong vụ việc. Ông nói chúng được sản xuất bởi một công ty ở Châu Âu được nhượng quyền thương hiệu.
Vào tháng 7, Reuters đưa tin rằng Hezbollah đã chuyển sang sử dụng máy nhắn tin trong những tháng gần đây để liên lạc sau khi cấm sử dụng điện thoại di động trên chiến trường vì lo ngại Israel có thể sử dụng chúng để xác định vị trí và theo dõi các chiến binh.
Máy nhắn tin không có camera hoặc micrô, khiến thiết bị ít rủi ro hơn đối với những người lo ngại về việc bị giám sát.
Năng lực mạng của Israel rất nổi tiếng. Đơn vị 8200 của IDF có tới hàng nghìn người có nhiệm vụ phát triển công nghệ để thu thập thông tin tình báo và theo dõi các mục tiêu của quân đội.
Tuy nhiên, theo Tal Mimran, giám đốc học thuật của Diễn đàn Luật quốc tế tại Đại học Hebrew, hàng nghìn máy nhắn tin cùng phát nổ là điều chưa từng có tiền lệ.
“Một cuộc tấn công bằng máy nhắn tin là một loại tấn công mới; chúng tôi chưa từng thấy”, Mimran nói.
Pin lithium có phải là nguyên nhân không?
Các thiết bị điện tử hiện đại, bao gồm cả máy nhắn tin, sử dụng pin lithium-ion có thể phát nổ hoặc bắt lửa nếu quá nóng hoặc tiếp xúc trực tiếp với kim loại. Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết rất khó có khả năng pin lithium gây ra vụ nổ lần này.
Pin lithium nhỏ như pin AA thông thường có thể phát nổ và gây bỏng, Richard Meier, chuyên gia của Meier Fire Investigation, người giám sát nhiều cuộc điều tra về cháy pin lithium, cho biết. Có trường hợp, một cục pin nhỏ đã phát nổ trong túi của một người sau khi va chạm với tiền xu, gây bỏng nghiêm trọng.
Pin lithium quá nóng có thể đạt tới 1.000 độ C, Meier tiết lộ. Các thiết bị thường được thiết kế để tản nhiệt, nếu không, “pin có thể và sẽ phát nổ”.
Meier cho biết một số loại pin dựa vào phần mềm riêng của thiết bị để điều chỉnh mức sử dụng và nhiệt độ, do đó về mặt lý thuyết, có thể hack vào máy nhắn tin và khiến pin nóng đến mức phát nổ.
Các video về vụ tấn công được đăng lên mạng xã hội cho thấy máy nhắn tin phát nổ ngay lập tức chứ không phải bắt lửa mới phát nổ. Pin lithium quá nóng đôi khi phát nổ nhưng cũng bắt lửa hoặc phun ra các luồng vật liệu siêu nóng theo những cách không thể đoán trước.
“Tôi đã chứng kiến đủ các vụ cháy pin lithium để biết rằng những gì chúng ta thấy trong các video đã công bố không giống với một vụ cháy pin”, Jake Williams, nhà nghiên cứu bảo mật tại Hunter Strategy, cho biết. “Tính chất điện hóa trong pin giá rẻ đơn giản là không hỗ trợ việc kích nổ tất cả trong một khoảng thời gian rất ngắn như chúng ta quan sát thấy”.
Thay vào đó, vật liệu nổ có thể đã được đưa vào chính những viên pin, Williams cho biết.
Một cựu chuyên gia về đạn dược của Quân đội Anh giấu tên, nói với BBC rằng mỗi máy nhắn tin trong vụ việc có thể chứa từ 10 đến 20 gam thuốc nổ mạnh cấp quân sự, được giấu bên trong một linh kiện điện tử giả.
Kẻ đứng sau có thể kích nổ bằng một tín hiệu như tin nhắn văn bản bằng chữ và số.
Công nghệ | Tổng hợp tin tức Công nghệ mới nhất trong ngày
Trả lời
Bạn phải đăng nhập để gửi phản hồi.