iPhone vài năm trở lại đây bị đánh giá tiêu cực vì không mang đến nhiều tính năng mới nổi bật, trong khi các thương hiệu Android đang ngày càng trở nên sáng tạo hơn.
Chính những ý tưởng vượt qua khỏi khuôn mẫu đã mang lại thành công to lớn, tiêu biểu như khai phá xu hướng điện thoại màn hình gập. Nhưng đôi khi không phải cứ sáng tạo nhiều là hay, bởi ngoài những thứ được khen, có không ít tính năng bị coi là “ngớ ngẩn” trên điện thoại Android.
Mô-đun trên LG G5
Điện thoại dạng mô-đun đã từng gây nhiều sự chú ý khi cả LG và Motorola đều có những sản phẩm của riêng mình, hay gần đây có thêm mẫu điện thoại CMF của Nothing.
Motorola mang đến lựa chọn thú vị khi có các mô-đun Moto Mods tương thích với nhiều thiết bị trong suốt vòng đời của chúng. Bạn có thể gắn những thứ như loa JBL, máy chiếu và thậm chí là ăng-ten 5G vào bốn thế hệ Motorola Moto Z.
Tuy nhiên, với LG G5 Friends thì ngược lại. Chúng được thiết kế để hoạt động với LG G5 và chỉ G5, nghĩa là bạn có thể chi rất nhiều tiền cho các phụ kiện không tồn tại lâu trong tương lai.
Theo Android Authority, nghe có vẻ khá thú vị khi LG G5 có thể hoán đổi các bộ phận của điện thoại như thêm báng chụp ảnh, nâng cấp DAC và amp của điện thoại. Nhưng khi chúng được thiết kế chỉ để tương thích với một mẫu điện thoại cụ thể rồi LG lại áp dụng một thiết kế mới vào ngay năm sau, thì mọi thứ bỗng trở nên không hợp lý chút nào.
Motion Sense và Soli trên Google Pixel 4
Cách đây vài năm, Google nghĩ rằng cảm biến radar là tương lai của việc tương tác trên điện thoại. Vì vậy họ đã nhồi nhét một cảm biến Soli vào viền trên cùng của dòng Pixel 4, với ý tưởng là bạn có thể bỏ qua các bài hát, tắt tiếng cuộc gọi điện thoại và báo lại báo thức chỉ bằng một cái vẫy tay lười biếng.
Vấn đề là tính năng này chẳng bao giờ hoạt động chính xác khiến Soli là một trong những cảm biến đáng quên nhất của Android. Google đã cố gắng hết sức để tung ra các bản cập nhật sửa chữa nhưng mọi chuyện vẫn không đi đến đâu, khiến công ty phải từ bỏ ý tưởng tuyệt vời của mình khi Pixel 5 ra mắt.
Hand ID trên LG G8 ThinQ
Không thương hiệu nào nghĩ đến sáng tạo nhiều như LG. Chúng ta đang nói về Hand ID, một tính năng lập bản đồ lòng bàn tay dựa trên hồng ngoại có trên flagship G-series gần đây nhất của LG, mẫu G8 ThinQ.
Về cơ bản, G8 ThinQ sẽ sử dụng cảm biến thời gian bay và camera IR để tạo bản đồ các tĩnh mạch độc đáo trên bàn tay người dùng, hoạt động như một dấu vân tay khổng lồ mà bạn có thể sử dụng để mở khóa điện thoại và kích hoạt cử chỉ.
Thật không may, giống như cảm biến Soli của Pixel 4, Air Motion và Hand ID của LG không bao giờ được ưa chuộng như mong đợi.
Bạn đã cầm điện thoại bằng một tay nên việc sử dụng chính tay đó để vuốt hoặc chạm vào màn hình để mở khóa vẫn tốt hơn là dùng thêm tay kia để vẫy từ xa mở khóa giống như niệm thần chú.
Màn hình ba chiều trên Red Hydrogen One
Red muốn đưa màn hình ba chiều vào điện thoại Hydrogen One đầu tay bằng cách đặt một tấm bổ sung phía sau màn hình LCD. Tấm này cho phép hướng ánh sáng phát ra từ mỗi điểm ảnh để tạo cho mắt ảo giác về chiều sâu từ màn hình phẳng.
Đây cũng là một cách tiếp cận thông minh, sử dụng bốn hình ảnh thay vì hai hình ảnh thông thường để sản phẩm cuối cùng có nhiều chuyển động hơn so với hình ảnh 3D.
Thật không may, màn hình của Red Hydrogen One là một trong những màn hình khá tệ trên điện thoại Android vì nó không hoạt động đúng cách như mong đợi.
Tương tác với các chức năng cơ bản như màn hình chính, trình duyệt web và hầu hết các ứng dụng chỉ mang lại cho bạn trải nghiệm 2D tiêu chuẩn, với chế độ 3D chỉ bật cho một số ứng dụng được hỗ trợ. Ngoài ra, hiệu ứng bốn chiều của Red khiến nhiều người bị chóng mặt do làm màn hình bị mờ quá mức và khiến mắt phải làm việc quá sức để tập trung.
Màn hình cong trên Samsung Galaxy Round
Trước khi mang đến điện thoại màn hình gập gây nhiều tiếng vang, Samsung cũng từng có những thiết kế độc đáo nhưng sớm phải từ bỏ như dòng Galaxy Round.
Ra mắt cách đây hơn một thập kỷ, Galaxy Round là câu trả lời của Samsung cho LG G Flex, một chiếc điện thoại cong từ trên xuống dưới, gần giống như một quả chuối. Tuy nhiên, ý tưởng của Samsung là uốn cong điện thoại theo bề ngang.
Xét cho cùng, hình dạng này sẽ vừa vặn với tay người dùng hơn so với các tiếp cận của LG. Độ cong cũng được thiết kế để giúp giảm độ chói của màn hình bằng cách chuyển hướng ánh sáng thay vì phản xạ trực tiếp trở lại mắt.
Thật không may, Galaxy Round đã nhanh chóng biến mất chỉ trong thời gian không lâu.
Cảm biến nhiệt độ trên Google Pixel 8 Pro và 9 Pro
Cảm biến nhiệt độ có vẻ là thứ cần thiết trong thời dịch COVID-19 khi giúp bạn nhanh chóng để kiểm tra nhiệt độ của hầu như mọi thứ xung quanh.
Nhưng khi bạn không bị ốm hay khi dịch bệnh đã hết, tính năng này trở nên lạc lõng. Nó có thể cho bạn biết bồn tắm có bị quá nóng hoặc có cần cho cà phê vào lò vi sóng để hâm lại không, nhưng thật sự là bạn có thể làm điều đó bằng cảm nhận xúc giác.
Chẳng ai thích việc cho Pixel 8 Pro vào một chiếc chảo nóng trên bếp để báo cho bạn biết rằng nó đã đủ độ nóng để nấu.
LG Wing
LG Wing có thể không tốt nhưng đây thực sự là một sản phẩm sáng tạo. LG quyết định hồi sinh điện thoại xoay có thêm màn hình vuông thứ hai khi bạn lật màn hình chính sang một bên.
Tất nhiên, cơ chế này mang đến một số tiện ích nhỏ như việc tách các nút điều khiển YouTube khỏi video đang xem khá tiện dụng, nhưng thiết kế kỳ quặc này không có nhiều ý nghĩa thiết thực.
Cấu hình bên trong của Wing không mấy ấn tượng. Máy được trang bị Snapdragon 765G, khá ổn đối với người dùng trung bình, nhưng Wing vốn định vị là một thiết bị đắt tiền.
Máy cũng chỉ được trang bị pin 4.000mAh với sạc có dây 25W, không nhiều nếu xét đến việc có đến hai màn hình. Thêm vào đó, camera của Wing chỉ ở mức trung bình đối và thật khó để thấy ai đó sẵn sàng bỏ ra 1.000 USD – ngang với những mẫu cao cấp nhất của Apple hay Samsung để trải nghiệm.
Dù mang đến những sản phẩm không mấy thành công nhưng không thể phủ nhận LG là thương hiệu duy nhất chịu khó làm cho các sản phẩm Android trở nên độc đáo.
Công nghệ | Tổng hợp tin tức Công nghệ mới nhất trong ngày
Trả lời
Bạn phải đăng nhập để gửi phản hồi.