Với sự phát triển của công nghệ, ngày càng có nhiều chiêu trò lừa đảo tinh vi xuất hiện nhằm đánh cắp tiền bạc, dữ liệu của người dùng.
Mới đây, ngày 8/8/2025, cơ quan Cảnh sát Điều tra, Công an thành phố Bắc Giang, Phòng An ninh Mạng và Phòng Chống Tội phạm sử dụng Công nghệ Cao và các đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh Bắc Giang vừa triệt phá, bắt giữ gần 40 đối tượng có hành vi giả danh nhân viên ngân hàng lừa đảo hàng nghìn người dân, gây thiệt hại trên 30 tỷ đồng.
Các đối tượng thu mua các tài khoản Facebook ảo, đăng quảng cáo vào các hội nhóm cho vay tiền, giả thông tin của các ngân hàng trong việc hỗ trợ các gói vay với mức lãi suất ưu đãi, giải ngân nhanh trong ngày.
Để tạo niềm tin, các đối tượng đã mạo danh nhân viên tư vấn, chăm sóc khách hàng, khi là nhân viên thẩm định hồ sơ… để tư vấn, lập hồ sơ cho vay tiền, sau đó yêu cầu người dân cần vay tiền phải chuyển các khoản phí giải ngân, phí bảo hiểm cho khoản vay… tới các tài khoản ngân hàng do chúng chỉ định. Các đối tượng này có kịch bản tinh vi để người bị hại chuyển tiền nhiều lần, số lượng lớn rồi chiếm đoạt, sau đó chặn liên lạc.
Không riêng vụ án này, những năm gần đây ngân hàng và các cơ quan chức năng đã ghi nhận hàng trăm vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua hình thức giả mạo nhân viên ngân hàng. Những thủ đoạn mới tinh vi hơn liên tục xuất hiện nhắm đến những nạn nhân nhẹ dạ cả tin, dễ bị thao túng.
Để bảo vệ bản thân khỏi những vụ lừa đảo này, VietinBank thông tin đến khách hàng 6 dấu hiệu nhận biết cuộc gọi giả mạo như sau:
Gọi từ số điện thoại lạ
VietinBank chỉ liên hệ với khách hàng qua đầu số hiển thị tên thương hiệu VietinBank.
Giới thiệu là nhân viên ngân hàng một cách chung chung
Đối tượng thường giới thiệu nhân viên VietinBank từ chi nhánh tại 108 Trần Hưng Đạo, Hà Nội hay nhân viên chăm sóc khách hàng Trụ sở chính. Cuộc gọi chính thức từ VietinBank sẽ từ cán bộ Trung tâm Dịch vụ khách hàng hoặc tên Chi nhánh VietinBank cụ thể.
Yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, mật khẩu
VietinBank sẽ không bao giờ yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin bảo mật như mật khẩu, OTP, mã PIN thẻ, màn hình giao dịch… hoặc nộp tiền vào tài khoản. Khách hàng tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, mật khẩu, OTP cho bất kỳ ai qua điện thoại, kể cả khi họ tự xưng là nhân viên ngân hàng.
Yêu cầu kết bạn qua Zalo/mạng xã hội để hướng dẫn mở thẻ/mở tài khoản
VietinBank chỉ hướng dẫn khách hàng đăng ký mở thẻ/mở tài khoản thông qua 02 kênh: (i) kênh tại quầy; (ii) mở trực tuyến trên VietinBank iPay Mobile và không yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, thông tin bảo mật và nộp tiền vào tài khoản.
Gọi lại số điện thoại không liên lạc được
Khi khách hàng gọi lại số điện thoại nghi ngờ lừa đảo thì không có tín hiệu hoặc rất lâu mới có tín hiệu hoặc có tín hiệu nhưng không có người bắt máy.
Tạo áp lực, hối thúc
Kẻ gian thường tạo áp lực, hối thúc khách hàng cung cấp thông tin hoặc thực hiện giao dịch ngay lập tức. Trong trường hợp này, VietinBank khuyến cáo, khách hàng nên bình tĩnh và từ chối cung cấp thông tin hoặc từ chối thực hiện giao dịch nếu cảm thấy nghi ngờ.
Để đảm bảo tài khoản an toàn và nâng cao bảo mật cho khách hàng trước các hình thức lừa đảo, khách hàng nên cảnh giác trước tất cả các cuộc gọi đến có đầu số điện thoại lạ; hạn chế khai báo, đưa thông tin cá nhân khi tham gia các trang mạng xã hội và nhanh chóng khóa dịch vụ ngân hàng điện tử khi nghi ngờ lừa đảo.
Ngoài ra, người dùng nên thường xuyên cập nhật các phương thức, thủ đoạn của tội phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng và website/Mobile Banking/Fanpage… chính thức của ngân hàng.
Công nghệ | Tổng hợp tin tức Công nghệ mới nhất trong ngày
Trả lời
Bạn phải đăng nhập để gửi phản hồi.