Hãng xe phá sản, chủ xe bần thần
Khi một trong những công ty khởi nghiệp xe điện nổi tiếng của Trung Quốc phá sản, những người chủ xe đã gặp phải vấn đề bất ngờ: Xe rơi vào trạng thái ngoại tuyến.
Richard Qian không biết phải làm gì khi nghe tin WM Motor, nhà sản xuất xe điện giá rẻ có trụ sở tại Thượng Hải, nộp đơn xin phá sản vào tháng 10/2023.
Anh vẫn cố lái chiếc SUV EX5 của mình như bình thường nhưng phát hiện không thể đăng nhập vào ứng dụng điện thoại thông minh của WM Motor, ứng dụng điều khiển từ xa để khóa xe và mở điều hòa không khí. Anh cũng không thể xem số km và trạng thái sạc trên bảng điều khiển.
Qian không phải là người duy nhất. Những chủ sở hữu xe WM Motor khác đã phản ánh tình trạng ứng dụng điện thoại thông minh không sử dụng được và dàn âm thanh nổi tích hợp trên xe, vốn yêu cầu phải có kết nối internet, đã ngừng hoạt động.
Nhiều chủ sở hữu xe WM Motor đã nộp khiếu nại trên 12365auto, trang web đánh giá ô tô của Trung Quốc. “Hệ thống xe bị tê liệt và tôi không thể đăng nhập. Toàn bộ hệ thống giải trí không sử dụng được và không thể kiểm tra trạng thái xe”, một chủ sở hữu viết. “Chiếc xe đã trở thành mối nguy hiểm lớn về an toàn!”
WM Motor sau đó đã xin lỗi vì thời gian ngừng hoạt động của máy chủ và tạm thời giải quyết các vấn đề. Nhưng một số chủ sở hữu vẫn gặp khó khăn khi truy cập các tính năng cơ bản, chẳng hạn như giải trí trên xe, theo truyền thông Trung Quốc.
Công ty đã không cập nhật chương trình kể từ khi nộp đơn xin phá sản và ứng dụng WM Motor hiện không khả dụng trên các cửa hàng ứng dụng.
“May mắn là tôi đã cài đặt ứng dụng này trước trên điện thoại”, Qian chia sẻ với Rest of World, nhưng anh không biết mình sẽ có thể sử dụng chiếc xe này trong bao lâu.
Việc xe điện dựa vào các dịch vụ đám mây – từ điều khiển trên điện thoại thông minh đến cập nhật phần mềm – đã làm dấy lên mối lo ngại về khả năng sử dụng lâu dài của phương tiện này khi hãng sản xuất phá sản.
Xe điện quá phụ thuộc vào phần mềm
Cuộc chiến giá cả khốc liệt và việc loại bỏ dần trợ cấp của chính phủ đã khiến một số nhà sản xuất xe điện ở Trung Quốc — ước tính hơn 100 — phải vật lộn để tồn tại.
Kể từ năm 2020, hơn 20 nhà sản xuất xe điện tại Trung Quốc, bao gồm Singulato và Aiways, đã rời khỏi thị trường. Gần đây nhất, nhà sản xuất ô tô cao cấp HiPhi, chỉ bán được 4.520 xe vào năm 2022, đã ngừng sản xuất vào tháng 2 khi phải vật lộn với khó khăn tài chính. WM Motor là nhà sản xuất ô tô điện lớn nhất của Trung Quốc từng phá sản, đã bán được khoảng 100.000 xe từ năm 2019 đến năm 2022.
Theo Hiệp hội các đại lý ô tô Trung Quốc, ước tính có khoảng 160.000 chủ xe ô tô Trung Quốc đang rơi vào tình cảnh bấp bênh giữa lúc các công ty xe điện nộp đơn xin phá sản và dừng hoạt động.
Chủ sở hữu cũng lo lắng về khả năng tiếp cận các bộ phận thay thế của nhà sản xuất trong các lần sửa chữa trong tương lai.
Wang, một tài xế mua HiPhi X vì thiết kế nổi bật so với các xe điện quá giống nhau trên đường phố Trung Quốc, nói với Rest of World rằng anh chuẩn bị tìm kiếm phụ tùng thay thế từ các thị trường đã qua sử dụng trong tương lai nếu chiếc xe trị giá 570.000 nhân dân tệ (gần 2,4 tỷ đồng) cần sửa chữa do công ty không còn cung cấp dịch vụ kỹ thuật số hoặc kỹ thuật nữa.
Quy định về ô tô của Trung Quốc nêu rõ các nhà sản xuất ô tô phải đảm bảo cung cấp các bộ phận phần cứng và dịch vụ sau bán hàng trong ít nhất 10 năm khi mẫu xe ngừng sản xuất.
Tuy nhiên, xe điện phụ thuộc nhiều hơn vào phần mềm, vốn không được nêu rõ trong yêu cầu hỗ trợ sau bán hàng. Phần mềm độc quyền thường được sử dụng cho các tính năng như sạc, truy cập từ xa, chìa khóa cửa và thậm chí là giải trí trên xe hơi. Chúng cũng thường được kết nối với các dịch vụ dựa trên internet phụ thuộc vào máy chủ đám mây của nhà sản xuất ô tô.
Lei Xing, nhà phân tích xe điện và đồng dẫn chương trình podcast China EVs & More, chia sẻ với Rest of World: “Mối quan tâm lớn nhất đối với chủ sở hữu xe điện là sự xuống cấp của pin và thứ hai là khả năng vận hành và tính ổn định của phần mềm”.
Sự thất vọng của những người sở hữu xe điện Trung Quốc xuất hiện trong bối cảnh ngành công nghiệp này đang có sự thay đổi lớn. Xe điện được mệnh danh là “điện thoại thông minh có bánh” vì hiện nay các nhà sản xuất chú trọng nhiều vào phần mềm – thay vì phần cứng – để cung cấp các tính năng mới.
Cả Xpeng và Nio đều quảng cáo các bản cập nhật phần mềm được phân phối tự động qua mạng, điều khiển bằng giọng nói. Nhà phân tích Xing cho biết, thị trường sẽ không thể quay lại thời điểm ô tô có thể chạy mà không cần internet. “Đó là cách ngành công nghiệp đang phát triển và hướng đến”.
Chỉ chọn thương hiệu lớn
Sự phụ thuộc vào các dịch vụ đám mây có thế khiến xe gặp sự cố ngay cả khi bản thân chiếc xe chẳng có lỗi gì. Vào năm 2021, nhiều chủ sở hữu xe Tesla trên toàn thế giới không mang theo chìa khóa vật lý đã không thể mở khóa xe do ứng dụng điện thoại thông minh của công ty ngừng hoạt động.
Vào tháng 6, sau khi hãng sản xuất ô tô Fisker của Mỹ phá sản, các tài xế cũng lâm vào tình trạng không thể khóa xe hoặc bật điều hòa, khiến việc lái xe trở nên khó khăn vào mùa hè.
Với tình trạng trên, nhiều người tiêu dùng Trung Quốc dường như đang rời xa các công ty khởi nghiệp xe điện non trẻ không có sự hậu thuẫn lớn. Theo số liệu bán xe điện mới nhất, người tiêu dùng Trung Quốc đang gắn bó với các thương hiệu đã thành danh hơn như BYD, Tesla và GAC Motor.
Chỉ có một trong 20 mẫu xe điện bán chạy nhất tại Trung Quốc trong nửa đầu năm 2024 được sản xuất bởi công ty khởi nghiệp xe điện — Li L6 của Li Auto — và tám trong số đó đến từ BYD.
“Người tiêu dùng hiện đang phải tính đến rủi ro các nhà sản xuất có thể phá sản”, Ren, một nhà đầu tư giấu tên nói.
Công nghệ | Tổng hợp tin tức Công nghệ mới nhất trong ngày
Trả lời
Bạn phải đăng nhập để gửi phản hồi.