Một thứ đã thay đổi bên trong Trung Quốc
Khi CEO của nhà sản xuất điện thoại thông minh Honor Device, George Zhao, lên sân khấu tại Berlin vào tháng 9 để ra mắt các sản phẩm mới nhất, có một điểm chung giữa tất cả các thiết bị hàng đầu của công ty: màn hình OLED.
Màn hình OLED từ lâu được coi là tiêu chuẩn chất lượng cao trên các thiết bị điện tử hàng đầu, không chỉ mang lại hình ảnh sắc nét mà còn giúp thiết kế mỏng hơn, cùng với hiệu suất năng lượng tốt và tính linh hoạt cao. Màn hình OLED ngày càng trở nên phổ biến trên điện thoại thông minh được sử dụng bởi hầu hết các thương hiệu lớn như iPhone, Samsung.
Mẫu điện thoại thông minh Mate XT gập ba mới mà Huawei ra mắt gần đây đã được ca ngợi nhờ màn hình OLED uốn cong.
Về phần mình, Honor, công ty có thị phần điện thoại màn hình gập ở Tây Âu đã vượt qua Samsung, vừa chào hàng điện thoại thông minh Magic V3, chỉ dày 9,3 mm, là điện thoại thông minh gập mỏng nhất và nhẹ nhất thế giới.
Theo Zhao, máy có thể gập lại hơn 500.000 lần, có độ sáng và khả năng chống trầy xước tốt hơn so với iPhone cao cấp và điện thoại Samsung.
Máy tính bảng và máy tính xách tay Honor, bao gồm cả máy tính AI đầu tiên, cũng được trang bị màn hình OLED. Honor lấy nguồn màn hình chủ yếu từ các nhà cung cấp Trung Quốc như BOE Technology Group và Everdisplay Optronics.
Việc Honor sử dụng màn hình “cây nhà lá vườn” đánh dấu chiến thắng mới nhất cho các nhà sản xuất màn hình Trung Quốc – những người từ lâu đã vượt qua các đối thủ Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) trong lĩnh vực màn hình tinh thể lỏng (LCD) được sử dụng trong màn hình máy tính và TV về cả khối lượng sản xuất và giá cả.
Theo Quỹ Công nghệ thông tin và Đổi mới (ITIF), các nhà sản xuất màn hình Trung Quốc hiện chiếm hơn 70% năng lực sản xuất LCD toàn cầu. Thị phần đó sẽ tăng lên khi nhiều công ty khác bị loại khỏi thị trường.
Một câu chuyện tương tự đang diễn ra với màn hình OLED. Chỉ 5 năm trước, các công ty màn hình hàng đầu của Hàn Quốc là Samsung Display và LG Display nắm giữ gần 90% thị trường màn hình OLED cho điện thoại thông minh.
Tuy nhiên, tính đến năm nay, thị phần kết hợp đã giảm xuống còn dưới 60%, trong khi thị phần của các nhà sản xuất màn hình Trung Quốc, dẫn đầu là BOE, đã tăng vọt lên hơn 40%. ITIF ước tính thị phần của các nhà sản xuất OLED Trung Quốc hiện đã vượt quá 50%, một con số gây kinh ngạc cho thị trường.
“Samsung Display đang xoay trục chiến lược OLED để tập trung vào những khách hàng cao cấp nhất, cụ thể là phục vụ cho chính Samsung và Apple”, David Hsieh, giám đốc nghiên cứu cấp cao về màn hình tại Omdia cho biết.
“Không nhiều khả năng Samsung có thể cạnh tranh với các đối thủ Trung Quốc về giá cả, và không có khả năng các nhà sản xuất điện thoại và thiết bị điện tử Trung Quốc như Huawei, Xiaomi, Oppo, Vivo sẽ quay sang nhà cung cấp nước ngoài khi họ đã có các giải pháp trong nước”.
Theo Omdia, màn hình OLED cho điện thoại thông minh do Samsung sản xuất có giá khoảng 80 đến 100 USD, trong khi các nhà sản xuất màn hình Trung Quốc đưa ra mức giá rẻ hơn một nửa, vào khoảng 30 đến 40 USD, mặc dù chất lượng có thể không cao bằng.
Giám đốc điều hành tại một công ty cung cấp thiết bị cho Samsung và BOE cho biết để bù đắp cho tần suất lỗi sản xuất cao hơn, các nhà sản xuất OLED Trung Quốc thường cung cấp một lô màn hình miễn phí với mỗi đơn hàng. “Mô hình kinh doanh này sẽ giúp bạn duy trì biên lợi nhuận điện thoại thông minh, vậy cớ gì lại không chọn sử dụng OLED Trung Quốc?”
Khoảng cách ngắn dần
Màn hình OLED là linh kiện đắt nhất trong các thiết bị điện tử tiêu dùng, vượt qua chi phí của chip xử lý trong các thiết bị như điện thoại thông minh và máy tính. Chúng thâm nhập đáng kể vào điện thoại thông minh và hiện nay nhiều nhà sản xuất thiết bị điện tử đang cân nhắc cho các thiết bị lớn hơn, bao gồm máy tính bảng và máy tính xách tay.
Một phần động lực thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng của ngành công nghiệp màn hình OLED Trung Quốc là nỗ lực của Bắc Kinh nhằm nội địa hóa chuỗi cung ứng công nghệ. Việc thúc đẩy nội địa hóa cũng mang đến cho các nhà cung cấp OLED Trung Quốc cơ hội tuyệt vời để cải thiện năng lực.
“Khoảng cách công nghệ giữa các nhà sản xuất Hàn Quốc và Trung Quốc là khoảng một hoặc hai năm”, quản lý của một nhà cung cấp thiết bị hiển thị có trụ sở tại Mỹ cho biết. “Các nhà cung cấp màn hình Trung Quốc đã săn đón quá nhiều kỹ sư Hàn Quốc. Chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi Trung Quốc hoàn toàn thống trị ngành công nghiệp OLED”.
Cơn sốt OLED đã tăng lên một bậc khi Apple sử dụng màn hình trong những chiếc iPad cao cấp nhất trong năm nay. Công ty bắt đầu sử dụng chúng cho toàn bộ dòng iPhone cao cấp từ năm 2020 và đang cân nhắc triển khai trên nhiều mẫu iPad hơn và thậm chí cả MacBook từ năm 2025. Nhà sản xuất iPhone cũng sẽ đưa OLED vào iPhone SE giá rẻ bắt đầu từ năm sau, hoàn toàn chấm dứt LCD.
Nhưng ngành công nghiệp màn hình của Trung Quốc đang phải đối mặt với những khó khăn riêng do vấn đề dư thừa năng suất và đà tăng trưởng kinh tế chậm lại ở cả trong nước và trên toàn cầu.
Visionox đã báo cáo lỗ ròng trong ba năm liên tiếp kể từ năm 2021, trong khi Everdisplay Optronics không có lãi kể từ khi bắt đầu báo cáo thu nhập vào năm 2018. Nhiều công ty Trung Quốc đang dựa vào trợ cấp và tài trợ của chính phủ để duy trì hoạt động.
Eric Chiou, phó chủ tịch nghiên cứu tại Trendforce, cho biết màn hình OLED cuối cùng sẽ xuất hiện trên máy tính bảng và máy tính xách tay, với tốc độ áp dụng của các thương hiệu như Apple sẽ định hình xu hướng cho ngành công nghiệp.
Đối với Trung Quốc, đất nước này đang phải đối mặt với một tình thế tiến thoái lưỡng nan. Nhiều nhà sản xuất màn hình hưởng lợi khi trở thành thế lực thống trị trong lĩnh vực LCD, nhưng giờ đây những công ty này đang phải đối mặt với viễn cảnh chạy đua chi tiêu trong lĩnh vực OLED.
“Sự cạnh tranh trên thị trường nội địa Trung Quốc rất khốc liệt”, Chiou nói. “Một vòng đua sinh tồn khác sắp diễn ra”.
Công nghệ | Tổng hợp tin tức Công nghệ mới nhất trong ngày
Trả lời
Bạn phải đăng nhập để gửi phản hồi.